Tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ khiến nguồn vốn vào bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong khi sức ép hoàn thành kế hoạch kinh doanh đang ngày càng lớn hơn về những tháng cuối năm.

Cơ hội từ quỹ đầu tư nước ngoài, tăng huy động vốn từ khách hàng.

Tình trang nhỏ giọt tín dụng từ ngân hàng cũng như hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ đang khiến dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình trạng nghẽn mạch. Để giải quyết tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp đang tích cực chuyển hướng sang hợp tác với các quỹ ngoại nhằm có thể đảm bảo tiến độ các dự án đang triển khai cũng như nhanh chóng đạt được kế hoạch kinh doanh cho những tháng cuối năm 2022.

Vừa qua, nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu đã công bố đầu tư vào Novaland 250 triệu USD để phục vụ cho mục đích mở rộng quỹ đất và phát triển các dự án ở những vị trí chiến lược khu vực phía Nam.

Trong khi đó, Dragon Capital và Vina Capital cũng mạnh dạng rót vào Hưng Thịnh Land 103 triệu USD để cho nhà phát triển dự án này duy trì năng lực thực hiện các định hướng chiến lược, đẩy mạnh các sản phẩm ở phân khúc vừa và nhỏ, dòng sản chủ đạo lâu năm của Hưng Thịnh Land. Nguồn vốn đầu tư lần này sẽ là một chất xúc tác mạnh mẽ để Hưng Thịnh Land có thể tiếp tực hướng đến mục tiêp IPO và niêm yết trên HOSE trong năm 2023.

Một thành viên khác của Ngân hàng Thế Giới (WB) là tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cũng đã đăng ký mua 1.000 tỷ đồng ( ~ 44 triệu USD) trái phiếu do Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long phát hành. Dòng tiền này sẽ hướng đến việc phát triển và cung cấp các sản phẩm bất động sản giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhóm dân số có thu nhập trung bình, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giai đoạn 2 của dự án nhà ở Waterpoint (Long An).

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ lại lựa chọn các chính sách kích cầu huy động từ nguồn vốn của khách hàng vì khó có khả năng tăng huy động từ đối tác nước ngoài như các ông lớn. Điển hình như Phú Đông Group, Bcons… hiện tiến hành áp dụng nhiều mức chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, cũng như nhiều hình thức thanh toán uyển chuyển để giúp khách hàng sớm sở hữu nhà ở.

Các giải pháp trong trung và dài hạn.

Trong dài hạn, các chuyên gia tài chính cho rằng không dễ để duy trì các biện pháp đối phó trên. Các doanh nghiệp bất động sản cần hướng đến các giải pháp khác, như là giảm nhu cầu tín dụng ngân hàng, hạn chế dòng tiền vào các phân khúc không chú trọng; hoặc là gia tăng nội lực doanh nghiệp bằng cách tăng cổ phần; tập trung đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành để cùng phát triển dự án.

Có cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cũng đồng ý rằng các doanh nghiệp BĐS cần phải đa dạng hoá nguồn vốn nhiều hơn nữa, cần nhiều sự linh hoạt và các chiến lược tài chính để gia tăng nguồn vốn như thuê tài chính, IPO, quỹ đầu tư nước ngoài, quỹ REIT…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải chú trọng hướng đến sự minh bạch, quản trị rủi ro về lãi suất, tỷ giá, pháp lý bất động sản, hồ sơ huy động và hồ sơ tín dụng trong điều kiện thị trường ngày càng khó khăn và khó đoán.

Quang Nhật