1. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu Tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu Tư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Một số nội dung chính tại Nghị định 31 như sau:

Quy định mới về danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài

Nghị định quy định nhóm ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường do đó nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào (mục A của phụ lục I ban hành kèm Nghị định 31).

Ngoài ra, Nghị định 31 cũng cung cấp danh sách chi tiết các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường theo đó nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận nhưng phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Bổ sung một số quy định về ưu đãi đầu tư

  • Bổ sung điều kiện đối với đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư như đối với các dự án đầu tư sử dụng người lao động khuyết tật phải từ 30% số lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên hoặc Bổ sung thêm một số điều kiện cho chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng ưu đãi đầu tư.
  • Bổ sung đối tượng thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư như đầu tư nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học sử dụng làm thực phẩm, sản xuất sản phẩm đồ gỗ; sản xuất ván nhân tạo, gồm: ván dán, ván ghép thanh, ván MDF, v.v..

Tuy nhiên chúng tôi xin lưu ý việc áp dụng ưu đãi, ví dụ ưu đãi thuế TNDN đối với các dự án thuộc đối tượng ưu đãi nêu trên sẽ cần được căn cứ theo các văn bản về thuế TNDN.

Cập nhật Danh mục các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn

Nghị định 31/2021/NĐ-CP cũng cập nhật danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, thay thế danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

2. Nghị định 53/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA giai đoạn 2021-2022

Ngày 21/05/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA giai đoạn 2021-2022 có hiệu lực thi hành từ 21/05/2021.

Cụ thể, ban hành kèm theo Nghị định 53/2021/NĐ-CP:

  • Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA (Phụ lục 1) gồm: Mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len đối với từng mã hàng;
  • Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA (Phụ lục 2) gồm: Mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi dặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu vào Việt Nam từ các vùng lãnh thổ sau đây đối với từng mã hàng:
    • Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len;
    • Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước).

3. Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Ngày 17/05/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư này ra đời nhằm áp dụng quản lý rủi ro phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, nhằm hướng đến các mục tiêu công bằng, minh bạch trong đối xử với người nộp thuế.

Một số nội dung chính đáng chú ý tại Thông tư số 31 như sau:

  • Người nộp thuế được đánh giá, phân loại theo một trong 04 mức độ tuân thủ pháp luật thuế (thay vì 03 mức độ như quy định cũ) gồm: Tuân thủ cao; Tuân thủ trung bình; Tuân thủ thấp; Không tuân thủ. Đối với người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ, thực hiện các biện pháp quản lý theo quy định của pháp luật. Người nộp thuế thuộc các mức tuân thủ cao, trung bình, thấp và không tuân thủ, thực hiện phân tích bản chất hành vi để xác định biện pháp nâng cao tuân thủ.
  • Các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế bao gồm: Đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế; Trường hợp cần nâng cao tuân thủ, tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế, nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, v.v..
  • Ngoài ra, thông tư quy định chi tiết về việc áp dụng quản lý rủi ro với các khâu trong quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đồng thời nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Thông tư này thay thế Thông tư 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và có hiệu lực kể từ ngày 02/07/2021.

4. Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

Ngày 16/03/2021, Bộ kế hoạch và đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/05/2021 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, có một số điểm mới nổi bật đáng chú ý như sau:

  • Thông tư đã quy định rõ phạm vi áp dụng biểu mẫu của Thông tư là thống nhất trên toàn quốc và đối tượng áp dụng là các chủ thể tham gia quá trình đăng ký doanh nghiệp
  • Thông tư 01 đã bãi bỏ 06 biểu mẫu của Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT liên quan đến các thủ tục đối với mẫu con dấu, việc chào bán cổ phần riêng lẻ và danh sách cá nhân tham gia thành lập hộ kinh doanh; bổ sung 19 biểu mẫu mới; sửa đổi chi tiết một số biểu mẫu và thêm các ghi chú hướng dẫn việc kê khai ở các biểu mẫu để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
  • Biểu mẫu mới cũng được thiết kế để bổ sung tính thông tin và giảm thiểu các nội dung không cần thiết như:

    (i) Hình thức hạch toán (Khối thông tin đăng ký thuế): Bổ sung lựa chọn “Có báo cáo tài chính hợp nhất” trong trường hợp doanh nghiệp là đối tượng phải lập và gửi báo cáo tài chính hợp nhất cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

    (ii) Bỏ trường thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Doanh nghiệp không phải kê khai mục này khi đăng ký thành lập và không phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin về tài khoản ngân hàng.

    (iii) Bỏ phần “Thông báo thay đổi người quản lý doanh nghiệp” và bỏ trường thông tin “phương pháp tính thuế” trong khối thông tin đăng ký thuế tại biểu mẫu Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và quy định pháp luật về quản lý thuế.

5. Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm

Ngày 06/05/2021, Bộ LĐTBXH ban hành Quyết định 526/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm căn cứ theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Theo đó, một số thủ tục liên quan tới giấy phép và các thủ tục liên quan cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung.

Một trong những thủ tục được cập nhật là thành phần hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cần lưu ý theo quy định mới, các hồ sơ như Giấy phép lao động đã cấp, Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, Giấy chứng nhận sức khỏe, và các giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt.

6. Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ về việc ban hành Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng

Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan ngày 18/05/2021 thay thế công văn số 2765/TCHQ-GSQL về việc ban hành Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng có hiệu lực từ ngày 01/06/2021 có một số thay đổi như sau:

  • Mã loại hình Xuất khẩu
    – Giữ nguyên 5 mã: E42, E54, G21, G22 và G24
    – Cập nhật 10 mã: B11, B12, B13, E52, E62, E82, G23, G61, C22 và H21
    – Bổ sung 01 mã: C12- Hàng hóa từ kho ngoại quan xuất đi nước ngoài
    – Bỏ 01 mã: E56 – Xuất sản phẩm gia công giao hàng tại nội địa
  • Mã loại hình Nhập khẩu
    – Giữ nguyên 6 mã: A21, E11, E23, E31, E33, G11
    – Cập nhật 16 mã: A11, A12, A31, A41, A42, E13, E15, E21, E41, G12, G13, G14, G51, C11, C21, H11
    – Bổ sung 2 mã:
    + A43 – Nhập khẩu hàng hóa thuộc chương trình ưu đãi thuế
    + A44 – Nhập hàng hóa bán hàng tại cửa hàng miễn thuế

Related Post: Cập nhật các quy định pháp luật và chính sách về thuế và hải quan – P.2.

GT

One thought on “Cập nhật các quy định pháp luật và chính sách về thuế và hải quan – P.1.

  1. Pingback: Cập nhật các quy định pháp luật và chính sách về thuế và hải quan - P.2.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *