Nhiều cổ phiếu tăng giá thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh quý I/2022. Ngược lại, sự dè dặt, thận trọng được duy trì ở không ít cổ phiếu khác, chờ đợi thông tin cụ thể hơn từ mùa đại hội cổ đông sắp tới.

Xung đột Nga – Ukraine khiến nhiều loại hàng hoá tăng giá như dầu, phân đạm, khoáng sản, than, lương thực, cũng như chi phí vận tải.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI, Nga chiếm gần 16% tổng xuất khẩu urê trên toàn thế giới, giá urê có thể đạt đỉnh trong tháng 3/2022, tạo ra cơ hội đầu tư trong ngắn hạn.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research lưu ý, giá urê có khả năng sẽ quay đầu giảm mạnh kể từ tháng 6 trở đi, khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than từng bước được khắc phục.

Giá urê tại Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng giá thế giới, tuy nhiên, có thể có độ trễ. Nhìn lại năm 2021, giá urê tại Trung Quốc trung bình tăng gần 90% so với năm 2020, trong khi giá urê của DPM tăng 72%, giá urê của DCM tăng 64%.

Với diễn biến giá urê tăng trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành phân bón đang được hưởng lợi, kết quả kinh doanh quý I/2022 dự kiến sẽ tích cực. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu nhóm này tăng giá mạnh, đặc biệt là DGC, DPM, DCM, BFC.

SSI dự báo, lợi nhuận năm 2022 của DCM có thể đạt 2.684 tỷ đồng, với giả định giá bán urê cao hơn (từ 11.000 đồng/kg tăng lên 13.000 đồng/kg). Tương tự, lợi nhuận của DPM có thể đạt 3.976 tỷ đồng, với giả định giá bán urê tăng từ 10.600 đồng/kg lên 12.600 đồng/kg.

Với ngành vận tải biển, chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong khi nhu cầu hồi phục đang là yếu tố hỗ trợ tích cực. Cước phí vận chuyển neo cao sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng. Một số doanh nghiệp đáng quan tâm là SGP, STG, GMD, CDN.

Tại nhiều nhóm ngành khác như bán lẻ, thủy sản, không ít cổ phiếu có diễn biến tăng giá, chẳng hạn FRT, DGW, MWG, VHC…, sau khi doanh nghiệp chia sẻ thông tin về triển vọng kinh doanh tích cực năm 2022.

Năm ngoái, xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu lương thực là hai nhóm ghi nhận lợi nhuận nổi bật nhờ sự phục hồi của thị trường quốc tế. Ngược lại, sản xuất đồ uống và chăn nuôi là hai nhóm có lợi nhuận cốt lõi suy giảm mạnh nhất.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã mở cửa du lịch quốc tế trở lại từ ngày 15/3/2022 và không còn hạn chế nào cho tất cả các loại hình kinh doanh khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 đạt trên 70% dân số.

Nhờ đó, tiêu thụ thực phẩm, đồ uống nội địa năm 2022 có khả năng sẽ phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, đà phục hồi của thị trường thực phẩm, đồ uống bị cản trở bởi hệ quả cuộc chiến Nga – Ukraine, đó là giá cả leo thang, lạm phát cao, ảnh hưởng đến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nhìn chung, trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản (VHC, IDI, ANV, ACL…) và xuất khẩu lương thực (TAR, LTG…) vẫn là hai nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất; nhóm có triển vọng tiếp theo là đồ uống (SAB…).

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán MB chỉ ra nhiều nhóm ngành mà cổ đông có thể đón nhận tin vui trong kỳ đại hội cổ đông thường niên 2022 là ngân hàng, chứng khoán, cảng biển, logistic, thép, phân bón, cao su, dịch vụ hàng không, du lịch…

Trong đó, với ngành ngân hàng, nhiều nhà băng đã tăng trích lập dự phòng trong năm 2021 nên sẽ giảm áp lực trích lập trong năm 2022. Cùng với sự phục hồi kinh tế và các kế hoạch tăng vốn, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng cao.

Với ngành chứng khoán, các công ty chứng khoán sẽ đón nhận các tín hiệu tích cực nhờ kế hoạch tăng vốn và thanh khoản thị trường ở mức cao.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp Đại học Bristol, Anh quốc

Hầu hết các công ty đang cho thấy sự hồi phục khá mạnh, vì họ có xuất phát điểm rất thấp của giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trước đó.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần lưu ý là Việt Nam mở cửa trở lại vào thời điểm lạm phát cao. Nhiều ngành đã bắt đầu cảm nhận được sức ép của lạm phát, cộng thêm xung đột hiện nay ở Ukraine đã dẫn đến nhiều bất ổn đối với giá dầu, giá nguyên liệu chung và điều này nằm ở vấn đề doanh nghiệp, chứ không phải chỉ có ngành.

Theo đó, các kế hoạch kinh doanh sẽ được cổ đông đặc biệt quan tâm, vì ai cũng nhìn thấy chi phí tăng lên, nhưng vấn đề là doanh nghiệp làm thế nào để kiểm soát chi phí và kế hoạch kinh doanh ứng phó với lạm phát ra sao.

TNCK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *