Hiện tại đang bước vào mùa đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) và sắp kết thúc quý I. Chính vì vậy, nhà đầu tư đang giao dịch thận trọng để ngóng chờ các thông tin về cổ tức, và kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, mùa ĐHĐCĐ năm nay sẽ khá sôi động, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn kinh doanh tốt dù bị ảnh hưởng bởi dịch tuy nhiên sẽ có sự phân hóa nhất định ở các nhóm ngành. Còn đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết với khả năng thích ứng tốt trước những biến động trong và ngoài nước của nhiều doanh nghiệp, thị trường chứng khoán vẫn phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo giới chuyên môn, khi các yếu tố tâm lý của nhà đầu tư về lạm phát và biến động thế giới qua đi cùng với kỳ vọng tốt về kết quả kinh doanh trong quý I, dòng tiền sẽ quay trở lại  mạnh mẽ hơn trong các quý tới.

Tại chương trình Talkshow Phố Tài Chính ngày 21/3, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MB (MBS) đánh giá mùa ĐHĐCĐ năm nay sẽ diễn ra tương đối sôi động. Việt Nam vừa trải qua đại dịch và kinh tế đang được khởi dộng lại mạnh và chắc chắn. Chính vị vậy nên là những cái nhóm ngành liên quan đến mở cửa kinh tế như là dịch vụ hàng không, du lịch, sẽ được hưởng lợi rất là rõ. Ngoài ra thông thường thì nhà đầu tư sẽ tập trung sự quan tâm lớn đến những nhóm ngành có ảnh hưởng nhiều đến diễn biến chỉ số hay là hút được nhiều dòng tiền như là chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, dầu khí.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh cho biết với kinh nghiệm của các nước, Việt Nam đang ở trạng thái tương đối là giống ở giai đoạn mở cửa trở lại của Anh và Mỹ cách đây gần một năm. Thời điểm đó có thể thấy thấy sự hồi phục rất mạnh lại của các nhóm ngành hàng không và vận tải biển cũng như du lịch. Tiếp theo là ngành ngân hàng, đây là một trong những cổ phiếu tăng rất mạnh sau khi mở cửa trở lại. Nhà đầu tư đang kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ giúp doanh thu và lợi nhuận có sự bùng nổ hơn trong quý II hơn so với giai đoạn trước.

Theo ông Sơn, mùa ĐHĐCĐ năm nay có thể sẽ có niềm vui đối với cổ đông của nhóm ngân hàng. Hai năm vừa qua khi kinh tế khó khăn, nhà đầu tư quan ngại về việc nợ xấu gia tăng chính vì vậy nhóm cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm 2021 có sự điều chỉnh. Tuy nhiên thì trải qua năm 2021, nhiều ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng nên áp lực trích lập năm nay sẽ giảm bớt rất nhiều. Cùng với đó, kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng của các ngân hàng sẽ được cao hơn. Một số ngân hàng đã đưa ra được kế hoạch chia cổ tức tăng.

Ngoài ra, nhóm cổ đông của chứng khoán cũng có thể đón nhận những thông tin tích cực. Nhiều công ty chứng khoán đưa ra các kế hoạch tăng vốn. Với nền thanh khoản ở mức cao so với mặt bằng chung của 2 năm qua, ông Sơn cho rằng vẫn rất tích cực đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán. Các công ty chứng khoán có thể trả cổ tức trung bình từ 10-15%.

Bên cạnh đó, nhóm cảng biển, logictics, nhóm liên quan đến hàng hóa như thép, phân bón, cao su được kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ được tác động tích cực bởi giá hàng hóa leo thang. Những cổ phiếu liên quan đến dịch vụ hàng không, du lịch được dự báo sẽ có sự bứt phá rất là tốt về giá.

Theo ông Tuấn, hầu hết các công ty cho thấy một sự hồi phục khá mạnh do có xuất phát điểm thấp của các giai đoạn trước như hàng không, du lịch, ngân hàng. Tuy nhiên, Việt Nam mở cửa trở lại trong giai đoạn lạm phát cao, trong khi các nước trên thế giới bắt đầu hồi phục vào năm ngoái nhưng mức lạm phát chưa quá mạnh. Như vậy, có sự khác biệt của Việt Nam khi bắt đầu mở cửa trở lại lần này.

Ông Tuấn cho biết, có nhiều ngành đã bắt đầu cảm nhận được sức ép của lạm phát, cộng thêm sự xung đột hiện nay ở Ukraine dẫn đến có nhiều bất ổn về giá dầu và giá nguyên liệu chung. Chính điều này khiến cho nhà đầu tư không chỉ nhìn vào lợi nhuận tăng lên khi mở cửa mà còn nhìn vào 2 quý tới.

Về diễn biến của thị trường trong thời gian tới, ông Tuấn đánh giá trong giai đoạn 2 quý đầu tiên của năm 2022 Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Việt Nam hiện đã mở cửa, hầu như khởi động lại rất nhiều mảng và ở mặt bằng rất thấp. Về dòng tiền, có sự rút vốn ra ở thị trường mới nổi. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc có quan điểm thay đổi về việc đặt ổn định thị trường lên trên hết, tạo nên mức tăng rất mạnh và giúp kéo lại tâm lý của các nhà đầu tư với thị trường mới nổi.

Ông Tuấn kỳ vọng có sự chững lại trong việc rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi và sau đó dòng vốn sẽ quay trở lại khi nhận ra những nền kinh tế như Thái Lan, Việt Nam… sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường.

Chuyên gia đến từ MBS đánh giá rất nhiều thị trường đã điều chỉnh từ 15% thậm chí đến 25% nhưng VN-Index chỉ chỉnh khoảng 6%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng margin đang ở mức cao, trung bình theo quý là từ 15 – 19%  trong nửa cuối năm 2021 cho đến nay. Theo thống kê khoảng 8/10 công ty chứng khoán có lượng vốn margin trên vốn chủ sở hữu đã chạm mức 150%, điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại. Chính vì vậy, nhu cầu tăng vốn ở các CTCK đang được đẩy mạnh. Một thống kê là từ năm 1802 đến nay, kênh đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn sinh ra lợi suất cao nhất khoảng 6,7%, cao hơn các kênh đầu tư khác như là vàng, hay trái phiếu. Trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư rất là hấp dẫn.

NDH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *