Những ngày tháng 11, chứng khoán Việt liên tục phá đỉnh, hết đỉnh này đến đỉnh khác, song cổ đông của “thép đã tôi thế đấy” hồi đầu năm giờ đây chỉ biết đứng bên ngoài cuộc vui ấy.

“Thép đã tôi thế đấy”, “bằng chứng thép” là những câu nói khi đang sống trong niềm vui tăng giá của cổ đông các doanh nghiệp tôn, thép suốt nửa cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Khi đó các cổ phiếu này liên tục phá đỉnh, tăng bằng lần cùng với đà lãi kỷ lục của doanh nghiệp. 

Các cổ đông dài hạn thì mức giảm này của dòng thép cũng nhẹ nhàng nhưng với những cổ đông thép mua vào vì thông tin lãi lớn của doanh nghiệp gần đây đành ngậm ngùi mỗi ngày nhìn tài khoản bị bào mòn.

Ngành lãi nhất kỷ lục nhưng cổ phiếu lại đỏ lửa

Phiên giao dịch 17/11, VN-Index tăng mạnh 9,4 điểm lên mức 1.475 điểm nhưng cổ đông của dòng thép vẫn “chịu đòn” khi cổ phiếu giảm đều đều như mọi ngày. Chốt phiên, Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) giảm 1,2% xuống 51.400 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) giảm 1,4% xuống 42.500 đồng/cổ phiếu, Thép Nam Kim (mãl: NKG) giảm mạnh nhất 2,7% xuống 46.300 đồng/cổ phiếu, Tổng công ty thép Việt Nam (mã: TVN) giảm 2,6% xuống 18.700 đồng/cổ phiếu, Thép Tiến Lên (mã: TLH) giảm 1,4% xuống 21.650 đồng/cổ phiếu…

Điều đáng nói, các cổ phiếu thép không giảm sốc 1-2 phiên rồi đi lên mà mỗi phiên cổ phiếu thép lại giảm một ít, khiến cho các nhà đầu tư dòng cổ phiếu này vô cùng khó chịu với tình trạng “cưa chân bàn”. 

Nếu tính từ mức đỉnh cuối tháng 10 là 58.000 đồng/cổ phiếu, HPG đã giảm giá 11,3%, HSG giảm từ mức đỉnh 49.850 đồng/cổ phiếu giữa tháng 10 đến nay tương ứng giảm 15%, NKG giảm từ mức đỉnh 55.700 đồng ngày 20/10 đến nay tương ứng giảm 16,8%,…

Kết quả kinh doanh ngành Thép
Ngành thép có kết quả kinh doanh rực rỡ 9 tháng năm 2020 bất chấp dịch bệnh. Nguồn FIDT

Kể từ khi công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 lãi khủng, cứ ngỡ các cổ đông thép sẽ được hưởng niềm vui khi doanh nghiệp thép vẫn lãi kỷ lục bất chấp dịch bệnh tàn phá nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, Hoà Phát, quý 3/2021, Tập đoàn đạt 38.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 56% và lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên trong lịch sử đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với quý 3/2020.

Lũy kế 9 tháng, HPG ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng vượt 45% kế hoạch năm.

Không kém cạnh, NKG  cũng khép lại quý 3 với mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận: quý 3 năm nay NKG đạt 607 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ 2020, luỹ kế 9 tháng đạt 1.773 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm trước.

Cùng hưởng lợi mạnh từ thị trường xuất khẩu, HSG cũng công vố ước kết quả kinh doanh hợp nhất niên độ 2020-2021 (từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021) với sản lượng tiêu thụ 2.253.733 tấn, vượt 25% kế hoạch. Tương ứng, doanh thu ước đạt 48.727 tỷ đồng, tăng 77% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 4.313 tỷ đồng, tăng đến 274% so với cùng kỳ.

Thép Tiến Lên kết thúc quý 3/2021 với doanh thu 909 tỷ đồng, lãi ròng 101 tỷ, tăng đến 742% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty tăng 15% lên 3.284 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đột biến, từ mức chỉ hơn trăm triệu tăng lên đến 408 tỷ đồng. So với kế hoạch 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 9 tháng TLH đã vượt xa chỉ tiêu cả năm.

Thế nhưng kể từ khi công bố báo cáo kinh doanh lợi nhuận tăng kỷ lục, cổ đông thép lại bị hứng “gáo nước lạnh” từ đà giảm của cổ phiếu. Với các cổ đông lâu năm, việc giảm 10-20% của cổ phiếu thép là bình thường so với đà tăng bằng lần trước đó của dòng cổ phiếu này. Song, nhiều cổ đông mới gia nhập vì kỳ vọng vào lợi nhuận đột biến của dòng cổ phiếu này thì họ đang phải “gồng lỗ”.

“Thép là nhóm ngành lãi nhất sàn quý 3 năm nay nếu tính về hiệu suất sử dụng vốn, nhưng lãi kỷ lục mà bị bán như doanh nghiệp lỗ vậy, trong khi doanh nghiệp lỗ lại tăng trần. Thật không thể hiểu nổi thị trường này nữa”, Thanh Thuỷ – một nhà đầu tư nhỏ lẻ đang cầm cổ phiếu thép chia sẻ. 

Hiện trên nhiều diễn đàn chứng khoán, những lời than vãn về sự bất hợp lý của thị trường khi đối xử với cổ đông thép đang nhận được nhiều sự thu hút của giới đầu tư. 

Dự báo giá HRC điều chỉnh quý 4 nhưng vẫn ở mức cao

Theo dữ liệu và dự báo của FIDT, trước nỗ lực cắt giảm sản lượng và sự suy thoái mạnh trong bất động sản của Trung Quốc, giá quặng sắt liên tục giảm. Giá quặng sắt giảm đã bù đắp giá than cốc tăng, do đó không ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất thép. Tuy nhiên, FIDT cũng dự báo giá HRC có thể sẽ điều chỉnh trong quý 4 năm nay, nhưng vẫn ở mức rất cao so với đầu năm. Dự kiến chênh lệch giá HRC giữa thị trường Âu, Mỹ và châu Á giảm dần sẽ ảnh hưởng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất tôn xuất khẩu.

Giá thép thế giới
Giá thép cây thế giới giảm sâu

Hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh thu sụt giảm so với quý 2. Riêng HPG, HSG và NKG vẫn duy trì tăng trưởng. HPG với sản lượng ổn định, giá bán duy trì ở mức cao tại Qúy 3. HSG và NKG, chủ yếu hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu và giá bán thép cao ở các thị trường Mỹ, Châu Âu.

“HPG sẽ tiếp tục hưởng lợi từ đầu tư công, đặc biệt các kế hoạch gia tăng sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Tuy vậy, giá thép cán nóng điều chỉnh mạnh, chênh lệch giữa các thị trường giảm dần có thể ảnh hưởng tới nhà sản xuất tôn xuất khẩu như HSG, NKG”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Mirae Asset Việt Nam (MAS), trưởng nhóm tư vấn FIDT nhận định.

Sản lượng thép HPG
Sản lượng thép HPG
Sản lượng xuất khẩu, tiêu thụ nội địa của HPG được dự báo vẫn ở mức cao, lợi nhuận quý 4 vẫn tốt. Nguồn FIDT

Về triển vọng ngành thép, ông Đào Minh Châu, Trưởng phòng Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research trong một cuộc hội thảo mới đây cho rằng xét về dài hạn, nguồn cung chắc chắn sẽ hồi phục và tăng trở lại dù cho thị trường lớn là Trung Quốc vẫn sẽ kiểm soát sản lượng thép. Thực tế tại các quốc gia Đông Nam Á, việc giá thép cao cũng thúc đẩy các doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư nâng công suất nhằm đưa ra thị trường lượng thép lớn nhằm hưởng lợi khi giá cả đang neo ở mức cao.

Xét tới nhu cầu, ông Châu đánh giá cầu về thép sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi khủng hoảng chất bán dẫn đàn tác động xấu tới một số ngành công nghiệp, gián tiếp gây giảm tiêu thụ thép phục vụ sản xuất. Đặc biệt, bom nợ Evergrande nổ ra đã khiến thị trường bất động sản tại thị trường tỷ dân là Trung Quốc lao dốc, từ đó ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng cũng như nhu cầu về thép. Dự báo cho rằng tốc độ giảm nhu cầu thép tại Trung Quốc sẽ đạt 10% và sẽ tiếp tục giảm thêm.

Tuy nhiên, ông Châu đánh giá thị trường thép Việt Nam trong 2 năm tới sẽ vẫn theo xu hướng tăng trưởng tốt khi không có thêm dự án sản xuất thép lớn nào, do đó nguồn cung thép vẫn chưa tăng quá mạnh. Riêng trong tháng 10, giá thép nội địa vẫn tăng 4%-5% mặc dù trên thế giới giá thép đã hạ nhiệt. Song, cần lưu ý rằng giá thép Việt Nam thông thường sẽ đồng pha với giá thép thế giới, do đó dự báo trong dài hạn, giá thép sẽ có xu hướng đi xuống.

Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư khi cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành thép là Hoà Phát (HPG) liên tục điều chỉnh mạnh ngay sau khi thông tin lãi kỷ lục được công bố, ông Châu đánh giá điều này có một phần nguyên nhân từ áp lực chốt lời tại mức giá cao, bên cạnh là những lo ngại giảm giá khi giá thép đã ở mức quá cao.

Tầm nhìn tới hết quý 4 năm nay, ông Châu đánh giá kết quả kinh doanh của Hoà Phát sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, khả năng cao sẽ ghi nhận kỷ lục mới về lợi nhuận. Sang tới năm 2022, lợi nhuận mặc dù vẫn tăng trưởng trong thời gian đầu của năm nhưng lợi nhuận cả năm có thể giảm so với cả năm 2021.

NSKT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *