Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Quốc tế (ICS) nhận định điều tồi tệ nhất đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đã đi qua, nhưng một số vấn đề của ngành vận tải biển vẫn tồn tại.

“Có thể sẽ vẫn còn những biến động, nhưng nhìn chung, tôi nghĩ điều tồi tệ nhất đã đi qua”, ông Esben Poulsson nói với CNBC.

Poulsson cho biết các nhà bán lẻ đã đặt trước một lượng hàng đáng kể, giúp giảm bớt tình trạng thiếu hàng. “Ngoài ra, các tàu container được đóng mới sẽ giúp tăng công suất trong 24-36 tháng tới”.

Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau đợt sụt giảm ở những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19. Cước phí vận tải tăng vọt do các công ty vận tải biển, dịch vụ hậu cần và cảng biển phải ‘vật lộn’ để theo kịp sự tăng vọt của hoạt động thương mại, trong khi dịch bệnh bùng phát ở một số nơi thuộc châu Á đầu năm nay đe dọa nguồn cung hàng hóa, từ điện tử, phụ tùng ô tô đến cà phê, quần áo.

Chỉ số Container Thế giới (World Container Index) của Drewry, công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hải, cho thấy giá cước vận tải thế giới giảm 0,5%, xuống còn 9.146 USD/container 40 feet, trong tuần từ ngày 18/11 so với một tuần trước. Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn 238% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Poulsson nhận định ngành vận tải biển vẫn vướng phải một số vấn đề kéo dài, trong đó có khó khăn trong việc thay thủy thủ và tiến độ tiêm phòng cho nhóm này còn chậm chạp.

Nhiều quốc gia hiện tiếp tục áp đặt các hạn chế đi lại để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, cản trở khả năng dịch chuyển của một số thủy thủ giữa các tàu – nơi họ làm việc – và ở các quốc gia họ cư trú.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn do khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của thủy thủ hạn chế, trong khi nhiều quốc gia yêu cầu khách du lịch phải được tiêm chủng đầy đủ.

Ông Poulsson cho biết số thủy thủ được tiêm phòng đã tăng lên, giúp cải thiện tình hình. Một báo cáo của Diễn đàn Hàng hải Toàn cầu cho thấy tỷ lệ thủy thủ được tiêm phòng tăng từ 31% trong tháng 10 lên 41% tháng 11. Nhưng “khó khăn này vẫn tồn tại”.

Poulsson nói hiệp hội của ông đang thúc giục các chính phủ coi thủy thủ là “lao động chủ chốt” để được ưu tiên tiêm chủng – nhưng nhiều quốc gia vẫn không làm được như vậy. “Mặc dù đã có một số thay đổi, cải thiện, vấn đề vẫn còn đó và sẽ không biến mất cho đến khi các chính phủ thực hiện đúng trách nhiệm của mình”.

NĐT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *