Kết quả khảo sát của HOSE và Deloitte Việt Nam cho thấy, hơn 55% doanh nghiệp cho biết áp dụng chuyển đổi trước năm 2025 – năm cuối cùng trong giai đoạn tự nguyện theo lộ trình áp dụng IFRS.

IFRS: Công cụ thúc đẩy tăng trưởng và nâng hạng thị trường chứng khoán

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và cũng là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm về tính cấp thiết và cần thiết của việc nâng hạng thị trường chứng khoán thông qua việc ban hành Quyết định 242/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, trong kỳ đánh giá phân loại năm 2020, MSCI (Mỹ) chưa đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo đánh giá của MSCI, có 9 tiêu chí sau thị trường Việt Nam cần cải thiện để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường.

Thứ nhất, giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các công ty trong “các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện” và các lĩnh vực nhạy cảm phải tuân thủ theo giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, mức đầu tư nước ngoài: Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể bởi vấn đề tỷ trọng đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Một số thông tin liên quan đến công ty không phải lúc nào cũng được trình bày sẵn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, quyền của nhà đầu tư nước ngoài “bị hạn chế do giới hạn sở hữu nước ngoài được áp dụng nghiêm ngặt đối với các nhà đầu tư nước ngoài tổ chức cũng cá nhân”.

Thứ tư, mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối: Chưa có thị trường ngoại hối và có những ràng buộc đối với thị trường tiền tệ trong nước. Ví dụ, các giao dịch ngoại hối phải được liên kết với các giao dịch bảo đảm.

Thứ năm, đăng ký cho nhà đầu tư và thiết lập tài khoản: Việc đăng ký là bắt buộc và việc thiết lập tài khoản cần được sự chấp thuận của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Thứ sáu, quy định thị trường: Không phải tất cả các quy định đều được phát hành bằng tiếng Anh.

Thứ bảy, luồng thông tin: Thông tin trên thị trường không phải lúc nào cũng được công bố bằng tiếng Anh và đôi lúc không đủ chi tiết.

Thứ tám, thanh toán bù trừ: Không có cơ sở thấu chi và yêu cầu tài trợ trước cho các giao dịch.

Thứ chín, khả năng chuyển nhượng: Các giao dịch ngoại hối và chuyển khoản hiện vật cần có sự chấp thuận trước của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

IFRS có thể được coi là một công cụ giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt. IFRS đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính quốc tế đối với Việt Nam và cả yêu cầu của thị trường kinh doanh hiện tại. Chuẩn bị để áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam là một trong những bước quan trọng nhất để nắm bắt cơ hội củng cố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cấp thị trường chứng khoán.

Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt “Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”. Theo ông Bùi Văn Trịnh – Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và đảm bảo, Deloitte Việt Nam, quyết định này sẽ giúp cải thiện thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể trên bốn phương diện:

Đầu tiên là sự minh bạch. Là một tập hợp các chuẩn mực kế toán dựa trên các nguyên tắc quốc tế chung, IFRS giúp cho doanh nghiệp tạo ra các báo cáo tài chính có khả năng cung cấp thông tin tốt hơn, cho phép các nhà đầu tư có cái nhìn đúng và công bằng về tình hình và hiệu quả hoạt động tài chính của công ty.

Nói cách khác, áp dụng IFRS sẽ giúp cải thiện tính minh bạch của báo cáo tài chính, giúp nâng cao chất lượng của các quyết định liên quan đến “quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài”, “giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”, và “quy định thị trường”.

Thứ hai là sự so sánh. Vấn đề này liên quan đến sự tương quan giữa dữ liệu kế toán của các công ty và lợi nhuận từ chứng khoán. Tăng (giảm) của các mối tương quan giống nhau được cho là bằng chứng của việc tăng (giảm) khả năng so sánh. Áp dụng IFRS sẽ giúp báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam được tương đồng với các doanh nghiệp trên thế giới, tăng lợi thế cạnh tranh, giúp cải thiện “quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”.

Thứ ba là tính thanh khoản. Áp dụng IFRS sẽ giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư xác định được giá trị hợp lý của tài sản, các danh mục đầu tư, góp phần cải thiện tính thanh khoản của TTCK. Cải thiện tính thanh khoản hỗ trợ việc công bố thông tin và giảm sự chênh lệch thông tin giữa các bên tham gia thị trường. Những thay đổi về tính thanh khoản đôi khi được coi là chỉ số đánh giá sự thay đổi và cải thiện của sự chênh lệch thông tin.

Thứ tư là đầu tư xuyên biên giới. Khi cùng áp dụng IFRS, các công ty có cùng đặc điểm sẽ được định giá như nhau trên nhiều thị trường và cũng dễ dàng huy động vốn như nhau. Khả năng thanh khoản cao cùng với tính minh bạch và sự đồng bộ trong so sánh của báo cáo tài chính sẽ giảm thiểu rào cản đối với việc đầu tư quốc tế, từ đó đẩy nhanh quá trình hội nhập thị trường vốn quốc tế, giúp cải thiện “mức đầu tư nước ngoài”.

Doanh nghiệp Việt đã thực sự sẵn sàng để áp dụng IFRS?

Theo khảo sát của HOSE và Deloitte Việt Nam, đã có hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã áp dụng hoặc đang chuẩn bị chuyển đổi theo chuẩn mực IFRS.

Sau gần 6 tháng ban hành Quyết định 345, trong số các doanh nghiệp đang chuẩn bị hoặc chưa áp dụng IFRS, hơn 55% doanh nghiệp nói rằng họ sẽ áp dụng chuyển đổi trước năm 2025 – năm cuối cùng trong giai đoạn tự nguyện theo lộ trình áp dụng IFRS đề cập trong Quyết định 345.

Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng dành chi phí và thời gian để đào tạo nhân viên.

Nhưng để áp dụng thành công, doanh nghiệp sẽ cần có sự chuẩn bị về cả nguồn lực và tài chính. Ông Phan Võ Đăng Khoa – Trưởng phòng cấp cao, dịch vụ Kiểm toán & Đảm bảo, Deloitte Việt Nam khẳng định, bài toán đầu tiên cần giải quyết là hệ thống và quy trình.

Một số giải pháp hệ thống hiện tại cho phép doanh nghiệp tuân thủ song song cả hai nguyên tắc kế toán (VAS và IFRS), những khái niệm sổ chính, sổ phụ hay hệ thống sổ song song rất phổ biến. Việc lựa chọn nguyên tắc kế toán nào làm sổ chính và sổ phụ sẽ không làm suy giảm tính tuân thủ nguyên tắc kế toán được lựa chọn, mà chỉ là cách thức hệ thống thiết lập để tạo sự thuận tiện nhất định cho người sử dụng và lập báo cáo.

Để đáp ứng IFRS, bên cạnh việc chỉnh sửa quy trình tài chính kế toán, doanh nghiệp phải thẩm định tính tuân thủ của các quy trình sản xuất – kinh doanh khác để đảm bảo tính tuân thủ. Cùng với đó, hệ thống tài khoản cần phải được thiết kế lại để đảm bảo tuân thủ cũng như đáp ứng các yêu cầu quản trị.

Cùng với đó, nhân sự kế toán phải nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và cần thời gian dài để thích nghi với chuyển đổi IFRS.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng dành chi phí và thời gian để đào tạo nhân viên. Đa số các doanh nghiệp cho biết họ đang và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các công ty tư vấn và kiểm toán độc lập trong việc lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Doanh nghiệp cũng nên xem xét đây là một khoản đầu tư dài hạn, mang lại lợi ích lâu dài trong tương lai, thay vì chỉ tập trung xem xét khoản phải chi trước mắt bao gồm: chi phí nâng cấp và thay đổi hệ thống kiểm soát nội bộ; chi phí phát sinh khi phải báo cáo cùng lúc theo hai chuẩn mực kế toán; chi phí đào tạo, cải thiện kỹ năng nguồn nhân lực…

Đặc biệt, các cấp quản lý cần hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy sự phối hợp với giữa các phòng ban trong doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa việc thiết lập và trình bày báo cáo tài chính.

TNCK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *