Tín dụng cải thiện dần tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý I và dự báo cả năm 2022 tăng khoảng 20-30%.

Lợi nhuận tăng mạnh

Ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, lãi quý I/2022 của Ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24 – 25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm.

Trong 5 năm tới, VIB kỳ vọng mỗi năm có thể ghi nhận ít nhất mỗi tháng 1.000 tỷ lợi nhuận.

Kế hoạch kinh doanh 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng 31,1% so với 2021; tài sản 402.500 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước; tổng dư nợ tín dụng 265.600 tỷ đồng, tăng 30% tùy vào sự phân bổ của NHNN; huy động vốn 280.600 tỷ đồng, tăng 30%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Lợi nhuận sau trích lập các quỹ của VIB hiện là 5.908 tỷ đồng, ĐHCĐ thường niên 2022 diễn ra sáng ngày 16/3 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng gần 35%.

Trong giai đoạn chuyển đổi lần 2 (2022-2026), VIB đặt ra các mục tiêu: Tăng trưởng kép lợi nhuận trong tối thiểu 30% mỗi năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỷ USD, đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng 5 lần, nền tảng khách hàng được mở rộng gần gấp 3 lần so với hiện tại.

Trong khi đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều 15/3, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) cho biết, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của Ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.

Lãnh đạo MB cũng cho biết, đã được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới.

Trong năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25%.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp. Về kế hoạch năm 2022, MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 19.800 tỷ đồng.

Trong đó, MCredit lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, gấp đôi năm trước; MBAgeas Life lãi 100 tỷ đồng, giảm 64%; MBS lãi 1.100 tỷ đồng, tăng 49% so năm trước.

Theo ước tính SSI Research, lợi nhuận trước thuế của MB năm 2022 sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng. NIM khá ổn định ở mức 5,1%; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42 – 44%; ROE có thể đạt 26,3% – mức cao thứ 2 toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.

Cùng với đó, tỷ lệ CASA của ngân hàng vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng nhưng MBB có thể tăng huy động vốn dài hạn để duy trì tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn ở mức tốt hơn. Do đó, chi phí vốn có thể sẽ tăng lên 2,8%.

Liên quan đến câu hỏi của nhà đầu tư về cổ tức 2021 dự kiến chi trả sắp tới, lãnh đạo MB cho biết, khối tài chính MBB đang xây dựng các kịch bản để báo cáo với HĐQT.

Với kết quả kinh doanh tốt hơn, MBB sẽ cân nhắc khả năng chi trả cổ tức tăng tương ứng. Trước đó ĐHĐCĐ thường niên 2021 của MBN đã thông qua mức chi trả cổ tức 10-15%.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, tháng 1/2022 đã cho thấy những con số tích cực trong hoạt động của Ngân hàng. Cụ thể, CASA tăng 2.350 tỷ đồng so với cuối 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 577 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo MSB, thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng. Vì thế, Ngân hàng này dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 30%.

Tín dụng tích cực

Sở dĩ lợi nhuận của các nhà băng tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm nay và dự ước tăng mạnh trong quý I/2022 do cầu vốn tăng.

Theo thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 1,82% so với cuối năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm nay, hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng tín dụng.

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm 2022 cho thấy, dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NHNN được thực hiện vào tháng 12/2021, các tổ chức tín dụng ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022

Các chuyên gia đang khá lạc quan với dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, mục tiêu NHNN đưa ra cả năm nay là 14%.

Tại VIB, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB cho hay, tăng trưởng tín dụng của VIB đến thời điểm hiện tại cũng tăng trên 5%.

Còn ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, cầu vốn của khách hàng trở lại khi chuỗi cung ứng được khôi phục sau giai đoạn dài gặp khó vì dịch bệnh.

Ngân hàng từng bước đẩy vốn ra thị trường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chuỗi cung ứng cũng như đáp ứng cầu tín dụng cho khách hàng cá nhân khi dịch bệnh dần kiểm soát.

Tăng trưởng tín dụng được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện trong những quý tới. Nam A Bank vừa ký hợp tác với Nam Miền Trung Group, quy mô lên đến 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2022 – 2025, mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam.

Các nhà phân tích của BSC cho rằng, nhu cầu tín dụng năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, nhờ kinh tế tiếp tục hồi phục. Ngoài ra, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.

Thực tế, trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt hơn 13% và tăng mạnh trở lại từ quý IV/2021. Đó cũng chính là lý do để các ngân hàng đặt tham vọng tăng trưởng lợi nhuận trong 2022.

Tại VPBank, Ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ, nâng tỷ lệ CASA lên 23-27%. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 dự kiến tích cực hơn năm 2021.

Năm 2022, lãnh đạo VPBank kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhờ sự phục hồi của khách hàng, đặc biệt là tại FE Credit với kịch bản công ty tài chính này có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000-6.000 tỷ đồng.

Vietcombank cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8%, tín dụng tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%.

Năm ngoái, Vietcombank vẫn là quán quân lợi nhuận toàn ngành với khoản lãi hợp nhất trước thuế đạt 27.376 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.

VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế năm 2022 đạt 10- 20%; tổng tài sản tăng khoảng 5-10%; tín dụng tăng khoảng 10 – 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10-12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Trước đó, VietinBank đã ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7%.

SSI Research ước tính, năm 2022 tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI, chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con…

Nhưng trong đó, các ngân hàng quốc doanh ước tính tăng trưởng lợi nhuận 2022 ở mức 19%, trong khi các ngân tư nhân có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.

TNCK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *