Khi cơ quan quản lý và giới phân tích liên tục cảnh báo về nợ xấu thì báo cáo quý III các ngân hàng cho thấy tình hình chưa đến mức bi quan.

Nợ xấu không quá xấu

Báo cáo tài chính quý III/2021 và thông tin chia sẻ từ các ngân hàng cho thấy, bức tranh nợ xấu hiện tại không xấu như một số dự báo. Theo lãnh đạo các nhà băng, một phần là nhờ ngân hàng cẩn trọng kiểm soát chất lượng khoản vay trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu của TPBank ở mức 1,02%, giảm so với mức 1,1% cuối tháng 6.

Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank đến cuối tháng 9/2021 duy trì dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.

Tại SeABank, tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,68%, giảm so với mức 1,76% cuối tháng 6/2021.

Tương tự, MSB có tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý III/2021 ở mức 1,31%, giảm so với cuối quý II (1,6%). Ngân hàng này đã trích lập dự phòng 1.152 tỷ đồng cho các khoản vay khách hàng tính đến hết quý III, tăng 8,6% so với cuối quý II, nâng cao mức độ an toàn vốn cho giai đoạn có nhiều rủi ro do dịch bệnh.

Với SHB, kết thúc quý III/2021, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,1%, tăng không đáng kể so với mức 2,02% cuối tháng 6/2021.

Tổng nợ xấu của Kienlongbank tính đến ngày 30/9/2021 giảm 63% so với đầu năm, chỉ còn hơn 697 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong quý I, Ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là 174 triệu cổ phiếu STB. Bên cạnh đó, không ít khoản nợ có khả năng mất vốn được chuyển sang nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 5,42% xuống 2%.

Ngược lại, nợ xấu nội bảng của NCB đến cuối tháng 9/2021 là 800 tỷ đồng, tăng 191 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu trong 9 tháng đầu năm tăng từ 1,51% lên 1,94%.

Tổng nợ xấu của VietBank đến cuối quý III/2021 tăng 58% so với đầu năm, lên gần 1.244 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3,75 lần, nợ nghi ngờ gấp 2,7 lần đầu năm. Hệ quả, tỷ lệ nợ sau 9 tháng tăng từ mức 1,75% lên 2,65%.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng, nhưng duy trì ở mức thấp so với toàn ngành khi chỉ tăng từ 0,6% lên 0,8%. Số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ ACB tính đến hết tháng 9/2021 là 2.792 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tuy nhiên, lãnh đạo ACB cho biết, Ngân hàng đã trích lập hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 195%.

Mặc dù các ngân hàng được kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ thêm 6 tháng, đến cuối tháng 6/2022 theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, áp lực nợ xấu tiềm ẩn gia tăng vẫn đè nặng lên các ngân hàng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho hay, kịch bản của Ngân hàng Nhà nước là tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 có thể tăng lên 7,1 – 7,7%; xấp xỉ 8% sau khi thực hiện cơ cấu, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14.

Không chủ quan với nợ tái cơ cấu

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, độ trễ tác động tới ngành ngân hàng sẽ kéo dài sang năm 2022. Nền kinh tế gặp khó khăn do đại dịch, nhiều doanh nghiệp và người dân không thể trả nợ ngân hàng thì đương nhiên sẽ phát sinh nợ xấu.

Theo một chuyên gia tài chính, bức tranh lợi nhuận quý III/2021 có thể không phản ánh chính xác tình hình thực tế, vì pháp luật không yêu cầu ngân hàng phải kiểm toán báo cáo tài chính quý. Vì vậy, nhà đầu tư cần lưu ý đến các khoản phải thu trên báo cáo tài chính của ngân hàng. Rất có thể, các khoản nợ xấu vẫn phát sinh lãi, khả năng không thu được nợ nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận lãi. Đây là rủi ro tiềm tàng, làm gia tăng nợ xấu trong tương lai.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng cuối năm 2021 có thể tăng lên 7,1 – 7,7%, gấp đôi so với cuối năm 2020.

Được biết, có nhiều khoản nợ được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo tinh thần của Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Chỉ tính đến 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 đến 31/8/2021 khoảng 520.000 tỷ đồng. Con số này dự kiến sẽ tăng dần trong bối cảnh lượng hồ sơ xin tái cơ cấu tiếp tục tăng.

Đại diện một ngân hàng thừa nhận, rủi ro nợ xấu đang tiềm ẩn ở mức cao khi các khoản nợ tới hạn cuối tái cơ cấu, khách hàng phải dồn lại để trả một lúc. Với tình hình dịch bệnh trên toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn phức tạp, chưa biết khi nào sẽ kết thúc, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp khó có thể kỳ vọng sẽ sớm quay lại trạng thái bình thường.

“Nếu đến 30/6/2022, tình hình còn khó khăn, khách hàng không trả được nợ sẽ bị chuyển sang nợ quá hạn, chuyển thành nợ xấu, khiến nợ xấu cao, kéo theo dự phòng lớn”, lãnh đạo nhà băng trên nói.

Theo kết quả điều tra quý IV/2021 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, có 50,5% tổ chức tín dụng đánh giá, mặt bằng rủi ro tăng trong quý III/2021, 33,7% dự báo tăng trong quý IV/2021 và 50,5% dự báo tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhận định ở kỳ điều tra trước (lần lượt là 27,2%, 23,3% và 39,8%).

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nợ xấu ngành ngân hàng sẽ tăng cao hơn dự kiến và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài hơn dự tính.

Trong báo cáo chiến lược công bố đầu tháng 10/2021, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) duy trì quan điểm nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021, ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành, đồng thời có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các nhà băng.

“Kỳ vọng điểm rơi về nợ xấu chủ yếu ở quý cuối năm nay, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng, nhất là trong quý III/2021, tùy tình hình và năng lực tài chính của từng ngân hàng”, nhóm phân tích của VDSC nhấn mạnh.

Về lợi nhuận quý III/2021 của ngành ngân hàng, các chuyên gia của VDSC cho rằng, mức tăng trưởng sẽ thấp hơn đáng kể so với quý II. Điều này đã được thị trường dự báo và phản ánh vào giá cổ phiếu khi có diễn biến giảm giá trong vài tháng qua. Trong quý cuối năm, Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng cho nhiều ngân hàng. Tính đến ngày 28/9, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 7,5% so đầu năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, tổng dư nợ tái cơ cấu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ tăng dần, tác động lên lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay và năm tới, do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Theo Thông tư 14, ngân hàng phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm 2021 và tăng dần lên 100% cho đến cuối năm 2023. Bên cạnh đó, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao, có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác, làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này ở tương lai.

Ngày 15/10/2021, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đưa Chi nhánh Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động. Nhiệm vụ của Sàn giao dịch nợ là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ.

TNCK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *