Với tỉ lệ đã tiêm chủng hai liều trên toàn quốc đang trên đà đạt 70%, Chính phủ Úc đang hoàn thiện các kế hoạch để mở cửa biên giới với các nước, đồng thời có thể hướng tới việc chào đón du khách, du học sinh trở lại Úc.

Theo thông tin chính thức từ Chính phủ Úc ngày 1/10, Úc đã sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa trở lại với thế giới một cách an toàn và đang lập chương trình khung cho hoạt động đi lại với các nước trong những tháng tới.

Với tỉ lệ đã tiêm chủng liều đầu tiên đạt hơn 78% và tỉ lệ đã tiêm hai liều trên toàn quốc đạt 55% và đang trên đà đạt 70% ở một số khu vực trong tuần tới, Chính phủ Úc đã và đang hoàn thiện các kế hoạch để các gia đình Úc có thể đoàn tụ, người lao động Úc có thể đi du lịch trong và ngoài đất nước, và đồng thời có thể hướng tới việc chào đón du khách trở lại Úc.

Lộ trình mở cửa của Úc

Trong vòng vài tuần tới, nhiều vùng trên khắp nước Úc sẽ chuyển sang Giai đoạn B và sau đó là Giai đoạn C trong Kế hoạch Quốc gia để Úc tái mở cửa một cách an toàn và có thể duy trì trạng thái mở cửa an toàn. Trong Giai đoạn C, Úc sẽ tiến tới mở cửa trở lại hoạt động đi lại với các nước một cách an toàn cho những  hành khách người Úc đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã mở cửa trở lại hoạt động đi lại với quốc tế và không bao lâu nữa, Úc sẽ thực hiện bước tiếp theo này.

Úc từng bước mở cửa với thế giới

Để tạo điều kiện cho người dân Úc đã tiêm chủng đầy đủ có thể đi du lịch, Chính phủ Úc cũng đang hoàn thiện các quy định mới.

Sau khi hoàn thành chương trình thí điểm cách ly tại nhà ở bang New South Wales và bang Nam Úc, dự kiến ​​một số bang và vùng lãnh thổ đã sẵn sàng sẽ triển khai như sau:

  • Cách ly tại nhà 7 ngày đối với thường trú nhân và công dân Úc đã tiêm chủng đầy đủ một loại vaccine được phê duyệt sử dụng ở Úc hoặc được Cơ quan Quản lý Dược phẩm (TGA) công nhận
  • Cách ly có quản lý trong 14 ngày đối với bất kỳ ai không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng loại vaccine không được TGA phê duyệt hay công nhận

Công dân và thường trú nhân Úc không thể tiêm chủng, ví dụ như nếu họ dưới 12 tuổi hoặc có bệnh lý, sẽ được coi như đã tiêm vaccine cho mục đích đi lại của họ.

Các bang và vùng lãnh thổ sẽ khởi động chương trình này vào các thời điểm khác nhau do tỉ lệ tiêm chủng từng nơi không giống nhau, nhưng chính phủ hy vọng kế hoạch này sẽ bắt đầu vào tháng 11.

Theo Giai đoạn B và C của Kế hoạch Quốc gia, giới hạn cách ly có quản lý trong 14 ngày sẽ áp dụng cho những khách đến nhưng chưa được tiêm chủng. Những giới hạn này sẽ áp dụng như mức trước đây theo Giai đoạn B của Kế hoạch Quốc gia. Chính phủ sẽ làm việc với các bang và vùng lãnh thổ để dỡ bỏ tất cả hạn chế đi lại đối với những người Úc đã tiêm chủng.

Theo Kế hoạch Quốc gia, Chính phủ Úc đang cân đối giữa việc cần phải giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19 với việc phải sống chung với virus.

Chính phủ dự định một khi các thay đổi được thực hiện vào tháng 11, các hạn chế hiện tại đối với việc đi lại ra nước ngoài do Covid-19 sẽ được dỡ bỏ và người Úc sẽ có thể đi lại tùy vào các hạn chế hay lời khuyên về đi lại nào khác, miễn là tuân thủ các hướng dẫn về đi lại, được tiêm chủng đầy đủ và các quốc gia đó cho phép. Do các yêu cầu cách ly hay quy định biên giới ở các quốc gia khác tiếp tục thay đổi, chính phủ đặc biệt khuyến khích tất cả người dân Úc theo dõi chặt chẽ các hướng dẫn đi lại của DFAT được đăng trên trang smartraveller.gov.au. Những thay đổi này có nghĩa là nếu bạn là người Úc đã được tiêm chủng thì sẽ không có hạn chế nào khi bạn rời khỏi hay quay trở lại Úc.

Chính phủ Úc cũng sẽ hướng tới việc cho phép đi lại hoàn toàn không cần cách ly đối với một số quốc gia nhất định, ví dụ như New Zealand, khi đủ điều kiện an toàn.

Việc xét nghiệm dự kiến ​​sẽ vẫn là một yêu cầu cần thiết khi đi lại giữa các nước, nhưng tùy theo tư vấn y tế mà có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Người dân Úc muốn đi ra nước ngoài sau khi các hạn chế được dỡ bỏ sẽ có thể truy cập vào chứng nhận tiêm chủng được quốc tế công nhận trong những tuần tới đây để chứng minh tình trạng tiêm chủng của mình khi đi ra nước ngoài. Chứng nhận tiêm chủng để đi lại ở nước ngoài sẽ bao gồm một mã QR có thể đọc được trên toàn cầu, phù hợp với các tiêu chuẩn do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đưa ra. Các hãng hàng không thương mại và chính phủ các nước đã bắt đầu phối hợp để đảm bảo làm quen với hệ thống này.

Để đảm bảo càng nhiều người Úc có thể quay trở về nước, chính phủ cũng tạo điều kiện cho các chuyến bay tới những bang hoặc vùng lãnh thổ nào đồng ý bắt đầu thử nghiệm cách ly tại nhà 7 ngày đối với những người Úc về nước. Hiện đã có hơn 680.000 người Úc đã quay về nước kể từ khi chính phủ khuyến nghị mọi người xem xét lại nhu cầu ra nước ngoài vào tháng 3 năm ngoái. Chính phủ sẽ phối hợp với các bang và vùng lãnh thổ, sẵn sàng hỗ trợ thêm nhiều người dân trở về nước.

Người đến Úc phải cách ly tùy theo tình trạng tiêm chủng

Trong những tuần tới, chính phủ sẽ hoàn thiện các quy trình để mọi người có thể xuất trình thông tin về tình trạng tiêm chủng của họ nếu họ đã tiêm loại ‘vaccine được TGA công nhận’. Những người đã tiêm loại vaccine không được TGA công nhận, hoặc chưa được tiêm, khi đến Úc sẽ phải cách ly 14 ngày có quản lý.

Ngoài 4 loại vaccine ngừa Covid-19 đã được TGA phê duyệt và đăng ký sử dụng là Pfizer, AstraZeneca, Moderna và vaccine Johnson & Johnson, TGA cũng đang cân nhắc các loại vaccine khác được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới nhằm phục vụ mục đích xác định loại ‘vaccine được công nhận’.

TGA cũng đang xem xét các vaccine khác được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới với mục đích xác định ‘vaccine được công nhận’.

Cũng trong ngày 1/10, TGA đã công bố đánh giá ban đầu về vaccine Coronavac (Sinovac) và Covishield (AstraZeneca/Viện Huyết thanh của Ấn Độ) và đã khuyến cáo rằng những vaccine này nên được coi là ‘vaccine được công nhận’ cho mục đích xác định khách du lịch quốc tế đến là đã được tiêm chủng.

DHI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *