Trong kịch bản xung đột giữa các quốc gia phương Tây ngày càng khó lường, khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu theo đó trở nên trầm trọng hơn, những dự báo về giá của phân bón và thép cũng vì thế khó xác định được một cách chính xác. Việc đầu cơ cổ phiếu của 2 nhóm ngành này cũng tiềm ẩn những rủi ro cao hơn.

Giá cổ phiếu DPM đã hồi xanh trở lại vào cuối tuần trước sau khi chỉnh sát về ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu – mức giá mà lực cầu mua mạnh vào cuối tháng 8/2022 khi có tin nhà máy phân bón lớn ở châu Âu, Mỹ dừng sản xuất trong bối cảnh thiếu khí và giá khí đầu vào quá cao. Theo một số dự đoán, vào cuối tháng 9/2022, khi thị trường tiêu thụ u-rê lớn nhất là Ấn Độ mở thầu, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội xuất khẩu được với giá cao hơn giá thị trường hiện nay. Do đó giá phân bón được giới đầu cơ kỳ vọng sẽ tăng và được neo ở mức cao cùng với điều kiện thiếu nguồn cung ở khâu sản xuất.

Vào tuần trước, tại Mỹ, giá sà lan giao tháng 9 được bán ở mức 650 – 655 USD/tấn FOB Nola, trong khi sà lan giao tháng 10 giao dịch ở mức 650 USD/tấn FOB Nola còn tháng 11 là ở mức 635 – 665 USD/tấn FOB Nola. Vào ngày 6/9/2022, sau khi nhận được giá thầu thấp hơn mục tiêu, Pupuk Indo hủy thầu bán 30.000 tấn u-rê hạt đục và 6.000 -20.000 tấn u-rê hạt trong. Còn ở Trung Quốc, hầu hết các nhà cung cấp đang chờ đợi đợt mở thầu mua hàng của Ấn Độ hoàn tất trước khi có động thái mới. Bên cạnh đó, theo những cập nhật từ SSI, sau khi giảm giá lần lượt 45% và 35% từ đỉnh, giá phân u-rê ở Trung Quốc và Ai Cập đã tăng trở lại tương ứng 4% và 10% so với đáy.

Còn ở thị trường trong nước, sau khi giữ xu hướng giảm kể từ cuối tháng 7, giá phân u-rê giao dịch tại thị trường Việt Nam vào cuối tháng 8 đã tăng mạnh 50-850 đồng/kg so với tuần trước đó. Trong đó, giá tăng mạnh đối với u-rê hạt đục và chậm hơn đối với hạt trong. Nguyên nhân của việc tăng giá này có thể kể đến nhờ sự hỗ trợ từ xu hướng giá thế giới tăng mạnh và những thông tin tích cực từ xuất khẩu.

Những thông tin tích cực nêu trên góp phần thu hút dòng tiền vào cổ phiếu DCM và DPM. Trong khi DPM có sóng ở vùng giá hơn 50.000 – 56.000 đồng/cổ phiếu, DCM có mức tăng giá lớn hơn. Cùng với triển vọng tăng trưởng khả quan của lợi nhuận trong quý III và những phản ứng tích cực của giá cổ phiếu theo đà tăng của giá phân u-rê trong ngắn hạn, SSI đã nâng giả định giá u-rê cho cả DPM và DCM, với mức khuyến nghị trung lập cho DPM (giá mục tiêu 53.000 đồng/ cổ phiếu) và khả quan cho DCM (giá mục tiêu 44.000 đồng/ cổ phiếu).

Trong tương lai, với kỳ vọng giá u-rê còn tiếp tục tăng, định giá của DPM cũng sẽ được cập nhật lại. Đây là cơ sở để giữ giá DPM ở ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu, mặc dù bị chốt lời mạnh khi tăng lên ngưỡng cao. Trong khi đó, với việc vẫn còn thấp hơn mức giá khuyến nghị, cổ phiếu DCM vẫn sẽ nhận được những tác động tích cực nếu giá u-rê tiếp tục tăng.

Còn đối với ngành thép, sau khi có tin tức về việc nhà máy thép tại châu Âu ngừng sản xuất vì vấn đề năng lượng, những cổ phiếu có tính đầu cơ cao trong ngành như NKG, HPG đã tăng trần. Kế đến, trong phiên điều chỉnh vào thứ 5 tuần trước, việc khối ngoại mua ròng HPG đã góp phần giúp cổ phiếu này có sắc xanh và giữ đc đà tăng trong phiên cuối tuần.

Theo bản tin của Bộ Công thương, giá thép và quặng trên sàn Thượng Hải và Đại Liên đều tăng trở lại mặc dù còn ở vùng thấp. Còn ở thị trường trong nước, sau 15 lần giảm, giá thép đã có 2 lần tăng trở lại vào ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9.

Dù đã có những tiến triển khả quan, lãnh đạo một số doanh nghiệp thép đều chỉ đánh giá xu hướng phục hồi của giá thép ở mức “có khả năng”. Trong bối cảnh chung của suy giảm tăng trưởng kinh tế và sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nước, dự đoán về nhu cầu dài hạn của thép ở mức thấp sẽ là lý do chính khiến giá thép giảm.

Tùy thuộc vào các thỏa thuận thương mại liên quan đến xung đột địa chính trị, giá cổ phiếu đạm hay thép có thể giảm bất cứ lúc nào. Do đó, các nhà đầu tư cần nhạy thông tin, giữ kỹ luật chốt lời và cắt lỗ nghiêm vì rủi ro cao của cổ phiếu nhóm ngành thép và phân bón.

Quang Nhật