Thận trọng về xu hướng do lo ngại ảnh hưởng của đại dịch đến kết quả kinh doanh quý III nhưng giới phân tích vẫn đưa ra những kịch bản tích cực.

Trong báo cáo chiến lược tháng 10 vừa công bố, Công ty chứng khoán SSI đặt tựa đề “Cơ hội cho thị trường bứt phá khỏi xu hướng đi ngang”.

Theo nhóm phân tích, số liệu kinh tế vĩ mô trong quý III ghi nhận mức tác động nặng nề của giãn cách xã hội lên tất cả hoạt động của nền kinh tế. Làn sóng Covid lần thứ 4 kéo dài hơn dự kiến, khiến triển vọng kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết thay đổi. Diễn biến gần như đi ngang của chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 cũng phù hợp bối cảnh này và không cho thấy sự phản ứng quá đà.

Tuy nhiên, điểm sáng là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên thị trường khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả tích cực. Đồng thời, tâm lý thị trường cũng cho thấy sự ổn định nhờ các số liệu vĩ mô được hấp thụ dần theo tháng và cũng không nằm ngoài dự đoán.

“Chiến lược phòng chống dịch của Chính phủ linh hoạt hơn, chuyển từ ‘Không Covid’ sang ‘Sống chung với Covid’ đã gợi mở kỳ vọng khôi phục và phát triển kinh tế nhanh trở lại sẽ tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại”, báo cáo của SSI viết.

Tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu các doanh nghiệp trên HoSE theo quý.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HoSE theo quý. Ảnh: SSI

Về vận động kỹ thuật, nhóm phân tích cho rằng VN-Index vẫn đang trong giai đoạn giằng co và đi ngang trong kênh giá 1.320-1.360 điểm. Xu hướng đi ngang của chỉ số sẽ kết thúc khi xảy ra một trong 2 kịch bản. Trong đó, ở kịch bản tích cực, thị trường có thể hướng tới vùng 1.380-1.388 điểm. Ngược lại, trong trường hợp tiêu cực, ngưỡng hỗ trợ 1.320 điểm có thể bị phá vỡ và chỉ số lùi về vùng thấp hơn.

Hệ số định giá P/E của VN-Index hiện cũng ở mức 16,05 lần và 12,87 lần vào ngày 5/10, theo SSI, cho thấy khả năng tăng duy trì trong dài hạn.

“Còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế, tuy nhiên với các tín hiệu khả quan từ quá trình kiểm soát dịch bệnh và chiến lược mở cửa dần dần nền kinh tế, chúng tôi cho rằng thị trường có thể đạt được trạng thái cân bằng ở mức định giá này và sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang nếu nền kinh tế phục hồi thuận lợi”, báo cáo viết.

Cùng dự báo thị trường hướng tới vùng 1.380 điểm, song Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có phần thận trọng hơn. Báo cáo tháng 10 của công ty này dùng tựa “Thận trọng tích lũy” với đánh giá, tháng 10 – tâm điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III – sẽ là thời gian để thị trường thực sự đo lường mức độ tiêu cực của đại dịch đến hoạt động các doanh nghiệp.

Theo nhóm phân tích, bức tranh quý III sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành. Dù vậy, VDSC cho rằng, ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tác động đến thị trường, như bất động sản và ngân hàng (chiếm gần 54% giá trị vốn hóa), triển vọng kinh doanh không thực sự khả quan.

Tương quan diễn biến ngành bất động sản, ngân hàng và VN-Index.
Tương quan diễn biến ngành bất động sản, ngân hàng và VN-Index. Ảnh: VDSC

Quý III thường là quý thấp điểm với bất động sản. Đồng thời, do giãn cách kéo dài ở TP HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động bán hàng và tiến độ xây dựng bị trì hoãn. Với ngân hàng, VDSC ước tính lợi nhuận trong quý III có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý II. Ngoài ra, bức tranh nợ xấu cũng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn.

“Chúng tôi vẫn duy trì dự báo nợ xấu và nợ được cơ cấu lại tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm và ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành và đồng thời cũng có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng”, VDSC bình luận.

Không chia ra các kịch bản, song VDSC dự báo biên độ của thị trường sẽ ở mức cao. Nhóm phân tích cho rằng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.240-1.380 điểm, với biên độ tới 140 điểm.

Khác với SSI và VDSC, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) dự báo thị trường trong cả quý IV.

Nhóm phân tích chia làm hai kịch bản. Trong đó, VN-Index có thể chuyển biến tích cực sau giai đoạn tích lũy hẹp từ 1.320 – 1.360 điểm nhờ tâm lý và dòng tiền tích cực trở lại sau dịch bệnh. Hoạt động kinh tế đẩy mạnh sau dịch bệnh và khối ngoại không bán ròng quá mạnh có thể hỗ trợ cho thị trường kiểm tra lại ngưỡng 1.400 điểm vào cuối năm 2021.

Ngược lại, trong kịch bản thứ hai, VN-Index có thể diễn biến phân hóa giằng co khi không có nhóm hoặc cổ phiếu lớn dẫn dắt. Nền kinh tế không mở cửa nhanh sau dịch bệnh, khối ngoại duy trì đà bán ròng, VN-Index có khả năng tiếp tục duy trì xu hướng giao dịch giằng co 1.300 – 1.360 điểm với sự phân hóa mạnh của các dòng cổ phiếu theo kỳ vọng.

Kết phiên hôm qua (8/10), VN-Index đã vượt ngưỡng 1.360 điểm – ngưỡng điểm xuất hiện trong kịch bản tích cực từ phía các công ty chứng khoán.

VNE

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *