Các vấn đề vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp bất động sản hiện tại đã được kiến nghị đến lãnh đạo Chính phủ trong buổi làm việc sáng ngày 8/11/2022.

Văn bản thông tin chính thức về cuộc họp giữa các doanh nghiệp bất động sản miền Nam với đại diện Chính phủ vào sáng ngày 8/11 đã được Hiệp Hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cung cấp.

Cuộc họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HoREA và 19 lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Nam.

Cùng ngày tại Hà Nội,  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đón tiếp 15 Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản khu vực miền Bắc.

HoREA cho biết những khó khăn của thị trường bất động sản đã được tập trung phân tích trong cuộc họp. Phần lớn khó khăn pháp lý của các dự án bất động sản hiện nay đều là do sự bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành.

Giải pháp tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại là phải tích cực hoàn thành sửa đổi Luật Đất Đai 2013 và các luật liện quan để đạt được sự thống nhất và đồng bộ. Dự kiến toàn bộ quá trình sẽ hoàn thành sớm nhất là vào năm 2023.

Vì thế, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong các dự án hiện hữu. Trong đó yêu cầu nhanh chóng sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Phần lớn chi phí đầu tư của doanh nghiệp hiện phát sinh do nhiều rắc rối, phức tạp của các thủ tục hành chính. Vì thế, HoREA kiến nghị sớm thực hiện các quy trình đầu tư dự án chuẩn theo Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các lãnh đạo cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập “Ban công tác đặc biệt” hoặc “Tổ công tác đặc biệt” đễ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thị trường, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Trong đó, xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1% để có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu với một tỷ lệ cho phép thông qua việc ủy thác cho các công ty chứng khoán, tổ chức đủ năng lực theo quy định.

Quang Nhật