Chiều 22/7, Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ phối hợp với Trường Hàng không và Logistics Việt Nam (VILAS) tổ chức hội thảo “Vai trò của quản trị logistics và chuỗi cung ứng trong sự phát triển kinh tế – xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế và hội đủ loại hình vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và hàng không.

Tuy nhiên, chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước, với chi phí logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, hiện hạ tầng cho logistics cho “vựa nông sản” lớn nhất cả nước này còn chưa phát triển, thiếu liên kết và đồng bộ.

Trong khi đó hàng nông sản, thủy sản đòi hỏi phải vận chuyển nhanh hoặc thu hoạch xong có nơi bảo quản, sơ chế đúng – đủ tiêu chuẩn.
Ngoài ra, phát triển logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long còn đối mặt với nhiều khó khăn như: việc liên kết giữa các bên liên quan để khai thác hiệu quả nguồn hàng hóa dồi dào và các dịch vụ hỗ trợ chưa được quan tâm; thiếu nhân lực về logistics…

Các đại biểu đề xuất tập trung phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản bằng đường thủy nội địa và đường biển; phát triển chuỗi cung ứng nông sản hiện đại, các mô hình chợ đầu mối, chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi cung ứng số, thương mại điện tử xuyên biên giới…

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư, chế biến nông sản, các kho – dây chuyền bảo quản, sơ chế, làm mát trước khi đóng hàng vào container để sẵn sàng xuất khẩu…
Theo ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Đào tạo – Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) các địa phương và bộ ngành cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cần có các bến xe tải kết hợp trung tâm trung chuyển hàng hóa; phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản bằng đuờng thủy nội địa và đường biển; phát triển chuỗi cung ứng nông sản hiện đại, các mô hình chợ đầu mối, chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi cung ứng số, thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đối với doanh nghiệp logistics, đại diện VALOMA gợi ý chú trọng các mô hình dịch vụ mới có ứng dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm quy mô/tiêu chuẩn thế giới; đa dạng hóa dịch vụ, ví dụ MES (Dịch vụ phát triển thị trường), kiểm định và phân tích kỹ thuật, các ứng dụng e-Logistics, thương mại điện tử xuyên biên giới,…
Logistics đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển dịch vụ logistics sẽ đem lại nguồn lợi kép cho nền kinh tế khi tăng doanh thu dịch vụ và doanh thu bán hàng.

BNS